Title

Message here

OK

Title

Message here

KHÔNG

Title

Message here

OK HỦY
thoigian
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19
Xã hội hoá trường học bán trú
Chủ động khắc phục khó khăn, sức ép về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh, đồng thời thực hiện tích cực công tác xã hội hoá giáo dục, nhiều trường ở các bậc học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công mô hình bán trú, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập cả ngày của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
10 giờ, các bé lớp Lá của Trường Mầm non thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, theo sự hướng dẫn của cô bảo mẫu, rửa tay bằng xà phòng, sau đó đến vị trí bàn ăn, hai tay đặt sau lưng. Một bé (được phân công) nhanh nhảu tiến lên nhận phần cơm chia đều cho các bạn. Bữa cơm có thịt, trứng, canh củ quả, các bé ăn hết phần cơm của mình ngon lành, vui vẻ.
Tạo dựng niềm tin
Cô Nguyễn Thuỳ Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, học bán trú rèn cho bé tính tự lập cao. Đây là năm thứ 6 trường tổ chức bán trú cho các bé. Năm học này, trường tổ chức 7 lớp bán trú cho 248 trẻ, với 14 giáo viên giảng dạy.
“Đa số các bé là con cán bộ, viên chức, buôn bán, nhu cầu bán trú mỗi năm tăng từ 20-30 bé. Điều này gây áp lực không nhỏ đối với nhà trường trong việc bố trí cơ sở vật chất phòng học và tổ chức ăn bán trú, do trường có diện tích đất hẹp, trong khi học sinh đông. Theo Thông tư liên tịch 06 của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ ngày 16/3/2015 quy định: lớp Lá 35 trẻ thì của trường đã 38 trẻ; lớp Chồi 30 trẻ, của trường 35 trẻ. Tuy vậy, được sự quan tâm, tạo điều kiện của phụ huynh trong việc xã hội hoá trường, lớp, nhà trường vẫn đảm bảo sinh hoạt cho các bé nền nếp, thuận tiện cho việc học 2 buổi/ngày, bữa ăn bán trú luôn chất lượng và an toàn”, cô Trang thông tin thêm.

Toàn huyện Thới Bình có 19 trường mầm non, với 5.492 trẻ; trong đó có 9 trường tổ chức bán trú. Hầu hết các trường tổ chức bán trú đều đạt chuẩn quốc gia, duy nhất Trường Mầm non Vành Khuyên, xã Biển Bạch chưa đạt chuẩn, nhưng với nhiều nỗ lực trong điều kiện còn khó khăn đã tổ chức thành công bán trú cho trẻ.
Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên Đỗ Thị Xoan bày tỏ: “Có nước sạch cho các cháu sinh hoạt là phấn khởi nhất đối với chúng tôi”.

Bé tự xếp mền, nệm sau khi ngủ dậy ở Trường Mầm non Vành Khuyên
 
Cô Xoan chia sẻ, người dân địa bàn xã điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình mong muốn được gửi con để chuyên tâm làm kinh tế. Năm 2013, trường mở bán trú cho 60 trẻ. Việc phải sử dụng phòng học làm phòng ngủ, bố trí bàn ăn cho trẻ trên hành lang... không khó bằng chuyện thiếu nước sạch. Biển Bạch “khát nước”, nhà trường phải nấu ăn bằng nước lọc, còn nước giếng khoan chỉ để làm vệ sinh. Ít lâu được hỗ trợ 2 bồn chứa 4.000 lít, nhà trường chứa nước mưa rửa cá, rau, nhưng tháng hạn thì phải đổi 1 bình 2.000 lít giá 100.000 đồng. Sau được hỗ trợ bình nước lọc cũng chỉ chứa nước để rửa chén, vẫn phải đổi nước lọc nấu ăn. Không thể tính bao nhiêu là chi phí cho việc đổi nước, nấu nước bằng điện... Năm 2017, nước sạch hoàn toàn, nhà trường khấp khởi chuẩn bị xây dựng trường đạt chuẩn để các em được học bán trú trong điều kiện đủ đầy hơn.
Cô Xoan tâm tình: “Khi mở bán trú, nhiều phụ huynh không tin tưởng việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, song, mọi cố gắng, nỗ lực được bù đắp với việc trẻ lên cân, học tốt, phụ huynh hài lòng hơn. Nhà trường phấn đấu trong tương lai có thể đáp ứng 100% yêu cầu học bán trú cho trẻ”.
Cô Huỳnh Ánh Tuyết, chuyên viên phụ trách mầm non, Phòng GD&ĐT huyện Thới Bình, cho hay, không nhiều thuận lợi như các trường khu vực thành phố, hạn chế ở huyện là cơ sở vật chất (cụ thể là phòng lớp và bếp ăn) chưa thể đáp ứng nhu cầu mở bán trú 100%, mà hạn chế độ tuổi dưới 3.
“Ở đây, chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ, vận động xã hội hoá chủ yếu từ phụ huynh, trong khi đầu năm đã có nhiều khoản thu, vận động rất khó. Đặc biệt, các xã càng xa trung tâm lại càng khó”, cô Ánh Tuyết trăn trở.
Đẩy mạnh xã hội hoá
Ở bậc tiểu học, toàn tỉnh có 4 huyện, thành phố tổ chức được bán trú trường học: TP Cà Mau 36 lớp (1.655 trẻ), Phú Tân 5 lớp (125 em), Năm Căn 19 lớp (296 em), Đầm Dơi 17 lớp (476 em).
Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi Trần Thanh Văn cho biết, huyện có 4/38 trường tiểu học mở được bán trú. Song, duy chỉ có Trường Tiểu học Tân Trung có bếp ăn hợp chuẩn, còn lại đều phải hợp đồng suất ăn.

Bữa trưa vui vẻ của học sinh Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, huyện Đầm Dơi
“Thực hiện bán trú bậc tiểu học chủ yếu theo nhu cầu cụm dân cư, chợ... Để phục vụ tốt nhất, huyện đầu tư bàn học thành giường ngủ, đầu tư thêm phòng ăn. Học bán trú giảm áp lực về nhu cầu giữ trẻ, giảm tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, ngành khuyến khích xã hội hoá giáo dục để đáp ứng tối đa nhu cầu cho các bé”, ông Văn cho biết. Theo ông, phấn khởi nhất là công tác xã hội hoá được doanh nghiệp, phụ huynh quan tâm, ủng hộ, các phòng bán trú có hẳn máy lạnh, ti-vi...
Là trường tiên phong mở bán trú ở học kỳ II năm học 2015-2016 - ngay năm mới vừa thành lập, đến nay, Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, huyện Đầm Dơi là địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi con theo học.
Có 2 con đang theo học Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, anh Huỳnh Việt Hùng chia sẻ, hôm anh trực giám sát giờ ăn trưa của học sinh, đến sớm hơn thông lệ, anh thấy cơ sở hợp đồng nấu ăn dọn bữa ăn vẫn còn nóng, lượng thức ăn vừa phải, học sinh ăn thiếu có bổ sung, hầu hết mọi việc đều chu tất. Anh hài lòng.
Tham quan các lớp học, nhận thấy rõ công tác xã hội hoá tổ chức bán trú nhà trường rất hiệu quả. Có 12 phòng học lớp bán trú thì có 24 máy lạnh, 12 ti-vi, 12 đầu kỹ thuật số. Các phòng trang trí đẹp, có kệ để cặp, nệm, gối, giày dép... Bàn ghế vừa để học, để ngủ. Có những phòng học được phụ huynh tự tay trang trí bằng giấy dán tường, rèm cửa...
Cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi, phụ huynh rất quan tâm con em mình, khuôn viên trường, từ cây xanh, ghế đá, mái hiên, mái che sân chơi... Các lớp bán trú, phòng học, phòng ăn, quạt, máy lạnh... đều do phụ huynh đóng góp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ phí lắp đặt, sản phẩm giá gốc hoặc có sản phẩm tặng kèm, tất cả đều công khai, minh bạch với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, sinh hoạt. Ngoài ra, nhà trường còn tạo điều kiện cho học sinh lớp bán trú học bơi miễn phí vào thứ Bảy hằng tuần, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em.
Ông Trần Thanh Văn cho biết thêm, huyện nỗ lực thực hiện 100% bán trú ở bậc học mầm non và cấp tiểu học, tập trung đầu tư cho các trường đạt chuẩn quốc gia (21 trường), nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh học 2 buổi/ngày. Theo đó, khuyến khích các cơ sở giáo dục cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh, như quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động sự vào cuộc của phụ huynh học sinh.../.
Theo Băng Thanh - Báo Cà Mau

Các tin liên quan